Ads Top

“Cắt giảm hay không cắt giảm lãi suất?” sẽ là câu hỏi đặt ra cho các nước ASEAN, ngoại trừ Việt Nam?

 Khi lạm phát giảm dần, vấn đề giảm lãi suất chính sách sẽ sớm được các ngân hàng trung ương ASEAN đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, mấu chốt của cuộc tranh luận chính là liệu các ngân hàng trung ương ASEAN có thể tiến hành giảm trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và có đủ tự do trong chính sách tiền tệ để đưa ra động thái khác với Fed hay không.

Đây là vấn đề được đặt ra trong báo cáo “ASEAN Perspectives: Fed một đường, ASEAN một nẻo?” vừa được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của ngân hàng HSBC công bố hôm 10/8.

Theo HSBC, tình hình trong khu vực sẽ khá đa dạng. Ngay cả các nước ASEAN có thâm hụt tài khoản vãng lai như Indonesia và Philippines cũng sẽ có động thái khác nhau. Ví dụ, Indonesia có thể cắt giảm lãi suất trước Fed, vì lãi suất chính sách thực tế vốn đang cao hơn mức trước đại dịch, trong khi tài khoản vãng lai của nước này đang ở vị thế thuận lợi hơn trước.

HSBC cho rằng ngân hàng trung ương Philippines sẽ chỉ cắt giảm lãi suất sau khi Fed có động thái cắt giảm lãi suất. Ảnh: Arab News

Tuy nhiên, Philippines lại không có mức độ tự do như vậy khi nói đến chính sách tiền tệ. Quốc gia này cần thêm thời gian để hạ nhiệt và ổn định các điều kiện trong nước. Ngân hàng trung ương Philippines sẽ chỉ cắt giảm lãi suất sau khi Fed có động thái giảm lãi suất. Tiền lệ cho thấy Philippines có ít dư địa nhất để đi theo hướng ngược với Fed, HSBC nhận định.

Trong khi đó, các nền kinh tế có thặng dư tài khoản vãng lai như Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam cũng sẽ hành động không nhất quán. Các quốc gia có thặng dư dồi dào có thể trụ vững trước các động thái của Fed vì họ không quá cần vốn nước ngoài, xuất khẩu của họ có thể đủ để chi trả cho nhu cầu nhập khẩu.

Tài khoản vãng lai của Malaysia nhiều khả năng sẽ trở lại mức trước đại dịch, giúp quốc gia này có thêm tự do trước Fed. Lạm phát cũng đang trong vòng kiểm soát, do đó Malaysia có khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất.

Thặng dư của Thái Lan nhiều khả năng sẽ thu hẹp hơn trước, buộc ngân hàng trung ương nước này phải giữ các lãi suất cao hơn mức trước đại dịch. Ngược lại, Singapore có dư địa để đưa ra động thái khác với Fed, nhưng chính sách tiền tệ sẽ chỉ được nới lỏng khi lạm phát cơ bản hạ nhiệt, theo HSBC.

Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, bởi các vấn đề trong nước được đặt nặng hơn so với các vấn đề bên ngoài. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đi trước các ngân hàng trung ương trong khu vực ASEAN khi giảm lãi suất chính sách 1,5% (xuống 4,50%) chỉ trong vòng 3 tháng. Lãi suất chính sách của NHNN đã thấp hơn mức trước đại dịch, và HSBC cho rằng ngân hàng này sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 0,5% trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm 1,5% lãi suất trong vòng 3 tháng, và có thể sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 0,5% trong thời gian tới, theo HSBC.

Nhu cầu trong nước ở Việt Nam đang yếu đi và nhập khẩu giảm, dẫn tới vị thế tài khoản vãng lai của Việt Nam ở vị trí thuận lợi hơn. Xét ở một mức độ nhất định, điều đó cũng giúp ổn định tỉ giá đồng VND và mang lại chút dư địa cho các cơ quan quản lý tiền tệ để tự tách mình độc lập khỏi Fed khi phải tập trung hơn vào các vấn đề trong nước.

HSBC cũng dự đoán lạm phát của Việt Nam sẽ tăng trong năm 2024, nhưng không đủ cao để kích thích tăng lãi suất. Ngân hàng này ước tính, lạm phát sẽ tăng lên mức khoảng 3% trong nửa cuối năm 2024, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 4,5% của NHNN.

Theo HSBC, mấu chốt của vấn đề đối với các ngân hàng trung ương ASEAN chính là mức độ tự do trong chính sách tiền tệ mỗi nước có được trước Fed. Đáp án cho câu hỏi này chính là chìa khóa để xác định thời điểm các ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất.  

HSBC cho rằng việc tự tách khỏi lộ trình của Fed quá sớm có thể dẫn đến tình trạng rút vốn ồ ạt và giảm tỉ giá đột ngột vì nhà đầu tư hướng đến lợi nhuận cao hơn. Đây là vấn đề cốt lõi cần cân nhắc đối với các nhà làm chính sách tiền tệ, chỉ sau lạm phát và tăng trưởng. HSBC cũng dự báo Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong quý II/2024.

No comments:

Powered by Blogger.